Tristhefall’s Blog

Just another WordPress.com weblog

Posts Tagged ‘usvets

Phan V: Cuoc gap go ky la

leave a comment »

Phần V: Cuộc gặp gỡ kỳ lạ

11h10’ sáng 30-4 tại sân bay Charleston, một phụ nữ VN ngoài 60 tuổi với phục sức dung dị nhưng vẫn toát lên những vẻ quý phái bước ra khỏi chiếc máy bay mang số hiệu AA2414 của hãng American Airlines từ Dallas (Texas). Bà vừa trải qua chuyến bay dài 36 tiếng đồng hồ từ TP HCM đển thành phố ở bờ Đông của nước Mỹ này.

Một loạt phóng viên báo đài địa phương từ MSNBC và Post and Courrier đã có mặt để chào đón bà. Đi qua vòng vây của báo chí, người phụ nữ nở nụ cười tươi, chìa tay bắt với chàng thanh niên trẻ Carlton đang đứng đợi và nói bằng tiếng Anh “Chào Carlton, tôi là Minh Vân mới tới từ VN.” Carlton, người đã đứng đợi từ khoảng nửa tiếng nữa cũng cúi xuống ôm lấy người phụ nữ bé nhỏ đã bay nửa vòng đất để tới đây.

Bà là Đào Thị Minh Vân, con gái trưởng của tướng tình báo Đào Phúc Lộc (người thường được biết đến với cái tên Hoàng Minh Đạo hay Năm Thu, Năm Đời, Năm Sài Gòn,…) – được coi là một trong những lãnh đạo đầu tiên của ngành tình báo VN. Câu chuyện về bà là một câu chuyện dài, nhưng chuyến đi lần này của bà có liên quan đến bộ phim tài liệu “Người Thanh Niên đến từ nước Mỹ” về Carlton Walker của đạo diễn Phong Lan.

Sau khi xem bộ phim, cô Vân đã liên lạc với đạo diễn Phong Lan và ngỏ ý muốn được gặp Carlton trong một dịp nào đó nếu có thể. Tình cờ là chuyến đi của đoàn sang gặp Carlton cũng trùng với chuyến đi riêng của cá nhân nên cô Vân đã mua vé để bay thẳng tới Charleston. Người phụ nữ khuôn mặt hiền hậu với đôi mắt sáng và nụ cười tươi luôn thường trực trên môi nói với báo chí ngay khi đến sân bay rằng “từ trái tim, tôi nghĩ mình có thể tạo thêm tình bạn hữu mới.”

…Căn phòng ăn chừng 8m2 trong ngôi nhà ở trên đường Buckneil Dr, ngay sát với công viên quận Wannamaker, được sử dụng để đón vị khách mới đến từ VN. Cuộc nói trao đổi thân tình giữa hai nạn nhân, từ hai bờ chiến tuyến khác nhau, đã diễn ra ngay trong bữa trưa ấm cúng ở đó.

Cùng chịu mất mát từ chiến tranh, mồ côi mẹ khi cô Vân mới sáu tháng tuổi. Bà mất vì cơn sốt rét ác tính trên chiến khu Việt Bắc (Đại Từ Thái Nguyên). Chỉ bồng con gái nhỏ được hơn ba ngày, cha cô – ông Hoàng Minh Đạo – đã phải lên đường vào Nam với một nhiệm vụ đặc biệt, đặc phái viên của bộ tổng tham mưu. Trong khi chàng thanh niên Mỹ Carlton đau khổ vì người cha mắc chứng rối loạn tâm thần sau chiến tranh thì người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi này chưa từng được một lần nhìn thấy mặt cha mẹ. “Tôi chưa bao giờ nhìn, chưa bao giờ biết được mặt cha mình. Tôi chỉ được nghe về ông.” – Cô Minh Vân nói với Carlton rằng cho đến giờ “tôi vẫn chưa thể kể những kỷ niệm sống nào với các con tôi về ông ngoại của chúng…”

Vào đêm Noel lạnh giá năm 1969, trên sông Vàm Cỏ Đông, thuyền của ông Hoàng Minh Đạo cùng toàn thể đồng đội 17 người bất ngờ bị ba tàu của thám báo Mỹ phục kích. Không bắt sống được vì bị kháng cự quyết liệt, địch với sự yểm trợ của máy bay trực thăng và đạn pháo trên bờ đã sát hại ông và tất cả những người đi theo. Ông ra đi khi trong người vẫn còn lá thư vừa nhận được của con gái do giao liên chuyển đến mà chưa kịp đọc trước khi lên đường. Khi đó ông mới 46 tuổi.
Tuổi thơ cô Minh Vân là những chuỗi ngày dài mong mỏi được gặp cha. Cô không biết cha làm việc gì mà chỉ thỉnh thoảng nhận được thư của cha nói đang ở Nam Vang, Campuchia làm ăn với lời dặn dò: “…nếu con có thấy các bạn bè cùng lứa có kinh tế khá mặc quần áo có đẹp hơn, giày dép tốt hơn thì đừng có tủi thân, đừng có buồn mà hãy lấy làm hãnh diện vì cha đang đi để sau này cho tất cả các con sẽ được như vậy. Con đừng có ganh tị…”

Hai người, một người đau đáu với câu hỏi vì sao cha mình trở nên như vậy sau cuộc chiến. Còn một người thì muốn tìm được câu hỏi ai đã giết cha mình trong đêm Noel năm 1969 đó. Trong suốt hơn 10 năm trời tìm hiểu, gặp và nói chuyện với khoảng 400 đồng đội của cha mình, Minh Vân đã tìm được hầu hết những câu trả lời rõ về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Nhưng đến bây giờ, câu hỏi rằng ai đã tiết lộ thông tin về chuyến đi đó của cha, phiên đội nào của Mỹ đã thực hiện vụ tập kích, sát hại ông vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Khác với Carlton từng suy sụp đau khổ, bằng nghị lực bản thân, người phụ nữ VN bé nhỏ này đã vượt qua những khó khăn của cuộc sống gia đình, những chịu đựng của thời cuộc để trở thành một phụ nữ thành đạt. Có lẽ, chính việc ở bên phe chính nghĩa, với niềm tự hào rằng người cha của mình đã làm, cống hiến cho đất nước đã giúp cho cô có động lực để vượt qua những khó khăn của cuộc đời mình. Người thanh niên có tuổi chỉ bằng tuổi con cô giờ lại phải chứng kiến cảnh cha mình vật vã vì những gì ông và đồng đội từng gây ra trong chiến tranh. Những ân hận, dằn vặt vì những gì họ đã làm trong cuộc chiến vào cái tuổi quá trẻ, ít hiểu biết về cuộc đời, và bị cuốn vào guồng quay chiến tranh khổng lồ mà đầu não là Nhà Trắng và Lầu Năm Góc ở bên kia bán cầu.

“Tôi chia sẻ rằng câu chuyện của cha Carlton thật buồn. Nhưng tôi cũng rất ngạc nhiên vì rằng ở rất xa VN mà ông lại đến nước tôi tham chiến, để rồi vì nó mà bị bệnh. Cha tôi thì mất rồi nhưng tôi lại thấy hãnh diện vì cha tôi đã vì đất nước mà hi sinh ngay trên mảnh đất quê hương mình…Ông đã giành toàn bộ cuộc đời cho cuộc chiến tranh, cho tổ quốc mà không có thời gian cho gia đình…” – cô Vân nhẹ nhàng nói.

Vào năm 1971, hai năm sau khi ông mất, khi cô học năm thứ 2 trong trường đại học thì nhận được thư cha cô gửi: “biết tin con đã học xong trung học và vào được trường đại học, ba má rất mừng. Trước kia ba và má chỉ ao ước được học đến trung học mà không có điều kiện…Ba vẫn hi vọng rằng con gái ba sẽ đi học thêm đàn piano để sau này khi có điều kiện đất nước thống nhất, gia đình ta sum họp thì trong nhà sẽ có tiếng đàn vang lên và đó là điều ba ao ước ở con…” Vì điều kiện chiến tranh và kinh tế cô Minh Vân đã không có điều kiện thực hiện nguyện ước này của cha.

Xa xôi về khoảng cách địa lý, khác nhau về nền văn hóa, cách nghĩ suy, sống trong những môi trường xã hội, chính trị khác biệt nhưng cả hai đều phải chịu những nỗi đau vô bờ bến. Không ai tránh được những số phận nghiệt ngã của cu
c chiến này.

Buổi nói chuyện ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa đã diễn ra như vậy ở Charleston. Sáng 1-5, tờ báo lớn nhất của Charleston, Post and Courrier có bài viết lớn trên trang 2 mục Local của mình với tựa đề “Quá khứ đớn đau giúp tình bạn đặc biệt giữa đôi người bạn.” Bài báo trích lời Carlton Walker nói “Điều căn bản nhất chúng tôi là con người và cả hai đều mất những người yêu thương của mình.”

———

Đạo diễn Phong Lan, người chứng kiến cuộc gặp gỡ đặc biệt này nói “Những vấn đề hậu chiến đều giống nhau. Những người dân hai bên đều có những nỗi đau khổ như nhau. Và họ đều tan nát như nhau. Tôi chỉ nhìn góc độ nhân văn còn cuộc chiến tranh đúng sai thì đã rõ rồi.”

Một bài thơ viết về người cha của mình của cô Minh Vân:

Tấm hình để lại

Cha mẹ ra đi để lại tấm hình
Đồng đội chụp cho
Trước giờ ra trận
Tấm hình đã mờ

Thời gian xa lắm
Cha mẹ truyện trò con qua ánh mắt
Khói tỏa cây nhang
Cảm nhận tình thương

Cha mẹ ra đi để lại tấm hình
Tuổi trẻ mẹ cha
Bừng lên mãi mãi
Sáng sáng nhìn lên

Con luôn tự bảo
Thưở nhỏ mãi mong chờ
Mẹ cha không trở lại
Đợi cả đời tuổi thơ
Ước ao một lần gọi
Thưa mẹ và thưa cha.

Ngày ngày nhìn lên
Con nghe cha dặn
Hãy ngửng cao đầu
Bước nữa đi con
Tấn tới nhìn lên

Con nghe mẹ nói
Sống phải có nhân
Cái Tâm phải sáng

Cha mẹ ra đi
Để lại tấm hình
Đồng đội chụp cho
Trước giờ ra trận

Khó tỏa cây nhang
Con thường tự nhủ
Ước ao một lần gọi
Thưa mẹ thưa cha

Đào Thị Minh Vân (27.07.2001)

Phần I: Chàng thanh niên đến từ nước Mỹ
Phần II: Tuổi thơ bị đánh cắp
Phần III: Đêm không bình yên và cuộc gặp không như ý
Phần IV: Bi kịch chưa kết thúc

Written by tristhefall

May 13, 2008 at 10:24 am

Posted in Common

Tagged with ,

Phan IV: Bi kich chua ket thuc

leave a comment »

Phần IV: Bi kịch chưa kết thúc

Trong suốt nhiều chục năm kể từ khi trở về từ VN, không phải lúc nào đại úy Lance Cross cũng thất thường. Cũng có những khi ông tỉnh táo và cư xử như người bình thường.

Tìm hiểu qua người thân của Carlton chúng tôi mới biết ngoài mẹ của cậu, đại úy Lance Cross còn có thêm 3 người vợ nữa. Là người đàn ông lãng mạn, lịch thiệp, có ngoại hình đẹp, Lance Cross dễ dàng thu hút các cô gái khi bình thường. Nhưng tất cả đều rời bỏ mỗi khi ông lên cơn thất thường và cư xử kỳ cục.

Chúng tôi đến thành phố Houston ở tiểu bang Texas để gặp Lilia, người vợ gần đây nhất của Lance Cross. Người phụ nữ 44 tuổi này đến từ thủ đô Bogota của Colombia. Sau khi sinh đứa con thứ nhất, hai người cưới nhau năm 2002. Một năm sau, ông rời bỏ cô để tiếp tục lang thang đâu đó quanh vùng Texas. Năm 2004, ông lại quay về để rồi lại rời bỏ Lilia lần nữa khi đứa con thứ 2 ra đời.

Đón chúng tôi từ sân bay Bush Intercontinetal ở phía Bắc thành phố Houston, Lilia đưa chúng tôi về căn hộ của cô nằm trên đường Weisheimer – một trong những con đường tấp nập nhất thành phố Houston – cách đó gần 1 giờ lái xe. Ấn tượng của chúng tôi về người phụ nữ đã 44 tuổi này là đôi mắt to buồn với giọng tiếng Anh pha tiếng Tây Ban Nha khó nghe. Lilia chở chúng tôi về bằng chiếc xe Ford có chiếc tay lái khá kì lạ với một loạt những thanh kim loại nối lằng nhằng từ chân ga, chân thắng nối lên gần vô lăng. Tôi nghĩ đơn giản người phụ nữ này muốn điều khiển toàn bộ chiếc xe bằng tay giống như các gamepad mà các thanh niên chơi điện tử vẫn thường dùng. Chỉ đến khi về nhà, nhìn thấy bà mẹ của Lilia bước ra để bế cô đặt vào chiếc xe đẩy thì chúng tôi mới biết Lilia bị khuyết tật ở chân.

Sau một tai nạn từ năm 18 tuổi, người phụ nữ 44 này đã luôn phải sống trên xe lăn với đôi chân bị gãy trong suốt 26 năm. Cách đây 11 năm, cô lần đầu gặp Lance Cross khi ông tới văn phòng làm việc của cô. Phong thái lịch lãm và vẻ đẹp bên ngoài của viên cựu phi công này đã hấp dẫn cô nhưng Lilia ban đầu đã từ chối lời cầu hôn của Lance Cross. Cô mặc cảm với khiếm khuyết tật nguyền của bản thân. “Khi đó ông ấy nói “em tật nguyền còn tôi thì bị điên” nên tôi đã chấp nhận.” – Lilia kể lại.

“Lúc bình thường Lance Cross là một người rất bặt thiệp, lịch lãm nhưng khi không bình thường thì ông ta cực kỳ tệ hại.” Bạn bè của Lilia mừng cho cô khi gặp được người đàn ông của đời mình. Tuy vậy, họ đã không được chứng kiến mặt trái của Lance Cross khi ông “bất thường”, dùng cần sa, ma túy, nổi nóng, tính khí bất thường, đi lang thang… Những tính cách mâu thuẫn tồn tại trong con người này. Lilia vẫn nhớ cảnh Lance Cross khóc nức nở như một đứa trẻ chỉ một ngày sau đám cưới của hai người. Đang làm bếp, Lylia lo lắng chạy ra hỏi thì thấy Lance chỉ vào TV và nói “Việt Nam”. Ngước nhìn màn hình, cô thấy trên truyền hình đang chiếu một phóng sự về cuộc chiến VN. Những “ám ảnh VN” đó vẫn tiếp tục trong suốt giai đoạn hai người sống chung và có thời gian Lilia đã phải đưa Lance Cross đi điều trị tâm thần về triệu chứng này. Lance Cross bỏ đi để lại bé Carissa mới 6 tuổi và bé Scarlett 4 tuổi. Riêng bé Carissa bị mắc hội chứng Đao, đến giờ vẫn không nói được và việc chăm sóc bé rất vất vả.

Về phía gia đình của ông Cross, mẹ ông giờ đã 83 tuổi và đang nằm liệt trên giường do căn bệnh tim cùng một tai nạn khiến bà bị vỡ hông và gẫy chân cách đây vài tháng. Bác sĩ nói tháng ngày của bà không còn nhiều, chắc chỉ còn 2 tuần đến một tháng nữa. Khi được giới thiệu chúng tôi là những người từ VN đến thăm, khuôn mặt bà thảng thốt nói một câu gì đó. Và phút im lặng bà chợt kêu lên “nó mất trí mất rồi”. Năm ngoái, sau khi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại văn phòng của bộ cựu binh Mỹ, Lance Cross về nhà nói với mẹ rằng “họ nói con vẫn còn bị điên mẹ à.” Bà đang nói về đứa con trai cả trong sáu đứa con của mình. Mới đây, bà đã quyết định hủy quyền thừa kế của đứa con trai cả này – người đến giờ vẫn đắm chìm trong nghiện ngập và thuốc phiện – để chuyển phần thừa kế đó cho 2 cô con gái nhỏ của ông tại Texas.

Tương lai giờ mù mịt trước mặt Lilia vì chính bản thân cô không tự chủ được cuộc sống của mình. Cô chỉ có nguồn thu từ đồng lương thu nhập ít ỏi từ việc bán vé tại rạp chiếu phim với thu nhập ít ỏi chỉ khoảng 8-9 USD/giờ. Chi phí khoảng 5.000 USD tiền nuôi con từ đầu năm tới nay mà đúng ra Lance Cross phải đóng vẫn chưa có. Với hoàn cảnh hiện tại, số tiền này và nhiều khoản chi phí khác cho đến khi hai đứa con trưởng thành có lẽ sẽ không bao giờ đến được với người phụ nữ bất hạnh này.

Người mẹ của Lilya đã gần 70 tuổi nhưng vẫn ngày ngày phải bế con gái mình lên xe, và giúp chị trong mọi sinh hoạt cá nhân của mình. Lưng bà đã còng lại vì những tháng ngày oằn mình, bế, gánh phục vụ giúp con. Ai sẽ giúp Lilya nếu một mai bà tròn trăm tuổi? Không ai biết nữa. Người phụ nữ không nói nhiều được tiếng Anh này chỉ đấm đấm tay vào ngực khi chúng tôi hỏi. Đôi mắt bà rớm nhỏ giọt lệ buồn…

Cuộc chiến mà nước Mỹ đã chi tới 600 tỉ USD, với hàng triệu người thiệt mạng và bị mất tích của cả 2 phía vẫn còn những di chứng dai dẳng đến tận bây giờ. Có gì là định mệnh chăng khi thành phố Charleston này luôn gắn với những cuộc chiến của nước Mỹ. Đây chính là nơi phát súng đầu tiên của cuộc nội chiến đã nổ vào năm 1861 ở ngay ngoài pháo đài của bến cảng. Và giờ, đây lại chính là căn cứ không quân lớn vào bậc nhất nước Mỹ, nơi “tiếp máu” cho những cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq – những cuộc chiến không biết đến bao giờ mới kết thúc. Rồi còn những hậu quả của cuộc chiến đó nữa. Sẽ còn bao nhiêu gia đình, bao nhiêu người mẹ, người phụ nữ và những đứa trẻ sẽ lại có những bi kịch như chàng thanh niên này?

Người Mỹ có thể luôn kiêu hãnh về vị thế siêu cường của mình nhưng ẩn chứa sau đó là những nỗi đau của nhiều gia đình, nhiều thế hệ người Mỹ. Những phần đời mà đôi khi ta tự hỏi nước Mỹ có dám nhận trách nhiệm về những mất mát đó của những người dân trong xã hội của họ và những dân tộc khác bị họ gây chiến hay không?

—–

Trong cuốn hồi ký của đại úy Lance Cross mà chúng tôi được coi có rất nhiều những dòng viết về cuộc chiến tại VN. Dưới đây là mộ
t bài thơ ông viết năm 1976

Nỗi đau của người lính

Ngồi trong boongke
Đắm mình trong bóng đêm
Ước mong đang được ở nhà
Mơ được bước dạo công viên

Xuyên màn đêm yên lặng
Huyên náo giữa hàng thép gai
Sáu mươi gã nói cười
Hút phả sự sống và lửa

Đại pháo khạc ra sắt thép
Xác thịt cho bữa ăn
Ai có thể dừng
Cái vòng quay này

Những bước chân chạy quanh đây
Những đôi chân nổ ở nơi kia
Tiếng người kêu trong đau đớn
Nhưng tôi không được để tâm tới điều đó.

Cỗ máy chết im lìm
Trong ánh sáng buổi sớm
Ánh ban mai đang tới
Ở chân trời tươi sáng.

Không được nghĩ đến
Những người trong bóng tối
Vì tôi không phải là
Bên lề của lẽ phải.

(07/08/76, Houston)

Ảnh: Bà Isabelle ngày nào cũng phải bế giúp con trong những sinh hoạt hàng ngày

Phần I: Chàng thanh niên đến từ nước Mỹ
Phần II: Tuổi thơ bị đánh cắp
Phần III: Đêm không bình yên và cuộc gặp không như ý

Written by tristhefall

May 13, 2008 at 10:14 am

Posted in Common

Tagged with ,

Phan II: Tuoi tho bi danh cap

leave a comment »

Phần II: Tuổi thơ bị đánh cắp

Cuộc chiến xảy ra cách nước Mỹ đến nửa vòng Trái đất đã biến đổi hoàn toàn số phận từng thành viên trong gia đình Carlton. Đại úy Lance Cross như bị nuốt chửng bởi cuộc chiến tranh còn Carlton đã luôn oán hận việc tuổi thơ mình bị đánh mất và không hiểu vì sao cha bỏ rơi mình.

Dù thân thể nguyên vẹn khi trở về, đại úy Lance Cross đã trở thành một người khác hẳn khi về nước năm 1971. Không liên lạc với gia đình, chối bỏ mọi mối quan hệ Lance Cross sống lang thang, nay đây mai đó. Ông lao vào rượu và thuốc phiện – điều đã khiến mẹ Carlton buộc phải li dị ông vào năm 1972. Lần cuối cùng toàn gia đình gặp Cross là năm 1975, khi cậu bé Carlton mới 5 tuổi. Trong ký ức cậu, ông là người cha hiền hậu, ngay cả khi trong bộ quân phục của mình. Cậu luôn hãnh diện với người cha quân nhân của mình. Hình ảnh cậu luôn nhớ là hình ảnh người cha bên chiếc máy bay huấn luyện. Cậu không còn bao giờ nhìn thấy những hình ảnh này vì 20 năm sau khi cậu được gặp lại cha, cha cậu đã là một người hoàn toàn khác. Trong thời gian đó, Carlton phải trải qua những tháng ngày cực khổ nhất của cuộc đời mình.

Mẹ Carlton tái giá năm cậu 7 tuổi và cuộc sống không cha là cực hình đối với cậu bé. Carlton thường xuyên bị cha dượng đánh đập tàn nhẫn bằng thắt lưng da cho đến khi tòa án tiểu Bang quyết định xử cách ly cậu khỏi bố dượng và Carlton được đưa vào trường thiếu sinh quân năm 15 tuổi. Hết trung học tại trường thiếu sinh quân, Carlton tham gia vào hải quân, sống trên một tuần không mẫu hạm tại Somalia trong 2 năm – quãng thời gian mà mỗi khi nhớ lại Carlton vẫn nói “giống như là nô lệ vậy.”

Hơn 10 năm sau khi bỏ đi, một ngày năm 1986, vào lúc 3 giờ sáng, ông nội Carlton nhận được một cú điện thoại của con trai mình. Qua điện thoại, ông nghe tiếng Lance Cross khóc nấc lên từng tiếng “Cha có nhớ Steve bạn con không, cậu ấy mới mất cha à.” Ông nội Carlton nghĩ rằng đó là một người bạn mới mất nên nói “Ta không biết con à nhưng ta không biết có thể giúp bằng cách nào.” “Người của cậu ấy cứ bốc cháy. Chẳng ai giúp được đâu.” và Lance Cross cúp rụp điện thoại. Chỉ đến khi đó ông nội Carlton mới biết là cái chết của Steven Larrabee vẫn ám ảnh con trai ông khắp 15 năm trời. Đó là lần duy nhất con trai ông liên lạc trong suốt nhiều năm bỏ đi.

Với Carlton, cậu phải làm đủ thứ nghề từ rửa xe, bán dao và bất cứ nghề gì có thể kiếm sống trên chiếc xe tải nhỏ của bản thân khi mới trở về sau quân đội. Từng bộc lộ năng khiếu với khả năng nặn tượng, vẽ tranh từ khi còn nhỏ, Carlton đã không bao giờ có thể hoàn thành giấc mơ làm nghệ sĩ từ bé của mình. Ngay kể cả việc học hành – điều cơ bản của bao cậu bé khác Carlton cũng không được đảm bảo đầy đủ. Chúng tôi tìm được những tâm sự về những giấc mơ đã chết đó trong rất nhiều những ghi chép riêng của Carlton.

“Cái chết của một giấc mơ

Đó là điều khó nhất trong đời
Bạn có giấc mơ khi còn là đứa trẻ
Bạn không hoàn thành được chúng
Vẫn mãi mãi là những giấc mơ

Bạn trở nên thất vọng
Nhìn những người quanh mình
Họ có cuộc sống bình thường còn bạn
Vẫn mãi mãi là những giấc mơ

Bạn không đến được đó và thật đau đớn
Này, hãy thay đổi nó đi
Nói luôn dễ hơn làm gì đó
Vẫn mãi mãi chỉ là những giấc mơ.”

(Carlton, 22/12/2005)

Trong rất nhiều năm, Carlton luôn đau đáu với câu hỏi duy nhất: “Vì sao cha bỏ rơi mình?” Cậu không hiểu vì sao gia đình hạnh phúc bé nhỏ của mình lại trở ra nông nỗi này. Cậu oán hận vì những gì đã xảy ra, oán hận về tuổi thơ bị đánh cắp của mình.

Rồi vào một ngày năm 1995, Carlton đang lang thang tìm việc thì đột nhiên nhận được điện thoại của bà nội. “Cha con đã về rồi.” Qua thông tin một số đồng đội cũ của đại úy Lance Cross, ông bà nội cậu đã tìm được cha cậu sống chui lủi trong một trang trại sâu trong rừng giữa vùng núi Texas khô cằn. Tóc dài ngang vai, đầu óc bù xù, miệng luôn lẩm bẩm một điều gì đó, cha cậu đã không còn bình thường được như xưa nữa. Khi ấy Carlton chưa biết rằng sau chừng ấy năm tháng, chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp diễn trong ông.

Mãi đến khi đọc được nhật ký và những bài thơ của cha, Carlton mới biết ông là một trong số 14,7% cựu binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam mắc chứng rối loạn tinh thần. Trở về nhà ông vẫn sống như người rừng, xa lánh thế giới văn minh, tự làm cho mình một túp lều nhỏ trong khu rừng gần nhà. Cựu đại úy Cross gần như điên loạn vì những gì đã chứng kiến và gây ra tại Việt Nam. Có lẽ một năm tham chiến với tư cách phi công lái chiếc trực thăng số 10 của sư đoàn không kỵ 1 là quãng thời gian dài nhất trong đời ông, một năm ấy đã dìm tất cả phần đời còn lại sau đó của ông vào một nỗi ăn năn không thể gột rửa.

Ám ảnh ông nhiều năm sau khi rời VN là qua những dòng hồi ký và những bài thơ thật buồn về cuộc chiến là những đôi mắt người mẹ đong đầy những nỗi buồn trong khi những chính khách chỉ quan tâm đến cuộc bỏ phiếu.

“Đôi mắt người mẹ đong đầy nỗi sầu
Những chính khách nói “ngày mai bỏ phiếu rồi”
Rời chiếc Limo, đến với bữa tiệc
Mọi người đều thua và không ai là thắng cả.”

(Lance C.Cross’ 76)

Cái chết của người bạn thân nhất Larrabee là giọt nước làm tràn chiếc cốc đắng mà ông phải uống cạn. Nó khiến ông chối bỏ gia đình, lang thang khắp nước Mỹ, làm mọi nghề kể cả phục vụ bàn tại các quán ăn. Ở đâu cũng chỉ một thời gian ngắn là ông bị đuổi vì có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Từ nỗi oán hận cha, Carlton đau khổ trước những gì cha mình đang phải trải qua và quyết tâm đến VN để tìm giải đáp những câu hỏi về cuộc chiến đã đánh cắp tuổi thơ mình…Anh muốn dùng những hình ảnh VN thanh bình, tràn đầy sức sống hôm nay để hi vọng như liều thuốc liệu trị cho người cha đau khổ của mình.

Carlton đã không chỉ đến vùng núi K’rao, anh đã đi lại cả những vùng cha anh từng chiến đấu như Biên Hòa, Tây Ninh, Sông Bé, Lai Khê. Anh muốn biết tất cả về Việt Nam hôm nay, về những đô thị đang vươn lên từng ngày, những gì được người Việt xây dựng sau chiến tranh, và về những nụ cười mà đi đâu anh cũng bắt gặp. Anh muốn cha mình nhìn thấy tất cả những gì anh đang thấy với niềm tin rằng quang cảnh một đất nước Việt Nam thanh b
ình, hầu như đã hàn gắn xong vết thương chiến tranh có thể là liều thuốc phù hợp cho cha mình.

Trước khi đến Việt Nam, Carlton từng cố thuyết phục cha cùng đi với mình. Ông đã đồng ý và trong mười tháng trước chuyến đi, Lance Cross nhiều lần đến đứng hàng giờ đồng hồ trước bức tường đen của nghĩa trang Arlington, đọc đi đọc lại tên của những đồng đội đã chết. Với thêm 10 cái tên mới nhất trong năm 2004, bức tường này có tất cả 58 ngàn 245 danh tính của các quân nhân nam nữ Hoa Kỳ bỏ mạng trong chiến tranh Viêt Nam, trong số đó có khoảng 1 ngàn 200 quân nhân mất tích. Nằm bên bờ sông Potomac huyền thoại từ thuở nội chiến, Arlington được hơn 4 triệu du khách thăm viếng hàng năm, để cảm nhận nỗi đau hiếm hoi mà xứ sở hùng mạnh và đầy kiêu hãnh này phải công khai thừa nhận. Riêng với Lance Cross thì nỗi đau ấy mãi mãi không vơi được, và đến phút cuối, ông bỏ ý định đến Việt Nam cùng con trai để tiếp tục chìm đắm vào cuộc chiến chưa hề kết thúc trong tâm trí mình.

—–
Ảnh: Carlton cầm chiếc roi da mà bố dượng dùng để đánh

Phần I: Chàng thanh niên đến từ nước Mỹ

Written by tristhefall

May 11, 2008 at 11:08 am

Posted in Common

Tagged with

Chang thanh nien den tu nuoc My, Phan I

leave a comment »

Phần I: Chàng thanh niên đến từ nước Mỹ

Cuối tháng 4 năm 2008, PV Tuổi trẻ nhận được lời mời đi Mỹ cùng nữ đạo diễn Phong Lan để tìm hiểu về đời sống của các cựu binh Mỹ sau chiến tranh. Chuyến đi đã qua nhiều vùng đất, gặp nhiều con người và câu chuyện sau là một câu chuyện đáng nhớ nhất.

Tháng 1-2008, phim tài liệu “chàng thanh niên đến từ nước Mỹ” của đạo diễn Phong Lan đoạt được giải vàng cho thể loại phim tài liệu tại LHP truyền hình toàn quốc tại TP Hải Phòng. Ngay trong lần xem đầu tiên, BGK LHP đã thống nhất ngay là sẽ trao giải vàng cho bộ phim này. Sau thành công của bộ phim, nhân vật chính của bộ phim đã mời đạo diễn Phong Lan và một phóng viên VN sang đó để tìm hiểu và gặp gỡ thêm một số cựu binh Mỹ. Tôi may mắn là người được đạo diễn Phong Lan mời đi cùng chị trong chuyến đi này.

“Đó là câu chuyện kỳ lạ và ngay khi nghe, tôi đã thấy chú ý rồi.” – nữ đạo diễn Phong Lan kể lại với tôi. Ngày 23-3 năm 2007, qua giới thiệu của một người bạn, đạo diễn phim tài liệu Lê Phong Lan (hãng phim truyền hình TP HCM) gặp Lee Carlton Walker trên quán cà phê nhỏ nhìn ra sông Sài Gòn. “Ấn tượng đầu tiên của tôi là đôi mắt luôn đượm buồn của chàng thanh niên trẻ, cao lớn đến từ miền Nam nước Mỹ này. Dăm ba câu chuyện rồi anh chàng chợt bật khóc nức nở khi nói về cha mình.”

Lee Carlton Walker đến từ vùng quê Charleston xa xôi của tiểu bang South Carolina. Chàng trai đến VN với mong muốn tìm nơi mà cựu binh Steven Michael Larrabee, một cựu đồng đội của cha anh (đại úy Lance CRoss), đã hi sinh cách đây 27 năm tại vùng núi K’rao của tỉnh Bình Thuận. Đạo diễn Phong Lan kể: “Một chàng thanh niên trẻ tìm nơi chết trận của đồng đội cha mình chứ không phải của người thân. Một anh chàng hay khóc như vậy khiến tôi thấy rất lạ.” Người phụ nữ từng có nhiều gắn bó với những câu chuyện về chiến tranh VN lờ mờ cảm thấy có câu chuyện gì đó còn ẩn chứa nơi chàng thanh niên này.

Đang hoàn tất bộ phim tài liệu về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, nữ đạo diễn Phong Lan quyết định điều xe và máy quay đi theo chàng thanh niên Mỹ Carlton đi tới những địa phương mà cha cậu từng chiến đấu, và đặc biệt là đỉnh K’rao ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, nơi thượng úy Larrabee đã hi sinh.

Ngày 24 tháng 3 năm 1971, sau 10 tháng đóng quân tại VN, thời gian rời VN của phi công Steven Michael Larrabee, bạn thân của đại úy Lance Cross, chỉ còn được tính bằng giờ. Khi lệnh bay đến, Lance Cross đề nghị được bay cùng nhưng Mike Larrabee nói muốn hoàn tất nhiệm vụ cuối cùng một mình. Máy bay cất cánh và chỉ vài chục phút sau, dưới mặt đất, đại úy Lance Ross nghe tín hiệu báo chiếc máy bay của Larrabee đã trúng đạn rớt tại đỉnh K’rao – khi đó là 11h20 phút ngày 24 tháng 3 năm 1971. Đại úy Lance Cross lao lên máy bay tới thẳng địa điểm máy bay rớt nhưng chỉ tìm thấy xác bạn và chiếc máy bay đang bốc cháy ngùn ngụt ở trên đỉnh K’rao. Đó chính là ngày đã diễn ra cuộc đụng độ giữa sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ với lực lượng du kích địa phương. Mike Larrabee khi đó mới 19 tuổi, Lance Cross 23.

Chiếc máy bay trực thăng OH-6A mang số hiệu 68-17322 thuộc đại đội E tiểu đoàn 1 trung đoàn 9 do Steven Michael Larrabee lái có nhiệm vụ “đánh hơi” những đơn vị đối phương. Chiếc máy bay thường bay dưới tầm thấp, vừa là mồi nhử quân đối phương, vừa để thám báo tình hình, khi phát hiện sẽ gọi hỏa lực, rocket tới tấn công tiêu diệt. Vài giờ trước chuyến đi định mệnh ấy, Larrabee và đại úy Lance Cross, cha ruột Carlton, còn đọc truyện tranh cùng nhau ngay dưới hầm công sự.

Sau cái chết của Larrabee, Lance Cross trở thành viên phi công cuối cùng của phi đội chưa bị bắn hạ. Ông được thưởng huy chương “Ngôi sao bạc” vì đã cứu được 3 đồng đội, một “Ngôi sao đồng” và một “Trái tim tím”, nhưng ám ảnh ông nhiều năm sau khi trở về từ Việt Nam, qua những dòng hồi ký và những bài thơ thật buồn, là những đôi mắt người mẹ đong đầy niềm thương tiếc trong khi giới chính khách chỉ bận tâm đến những cuộc bỏ phiếu… Kết thúc nhiệm vụ tại Việt Nam một năm sau đó, nhiều đồng đội của Cross về nhà trong áo quan. Còn đại úy Cross, dù thân thể nguyên vẹn nhưng khi trở về đã là một người khác hẳn.

Sáng 24-3-2007, nữ đạo diễn Phong Lan đưa Carlton đã lên tới đỉnh K’rao. Sau khi theo dõi, đối chiếu, định vị trên nhiều bản đồ khác nhau, đoàn đã đến được điểm xác định là nơi máy bay của phi công Larrabee đã rơi. Đúng 11h20 phút, chàng thanh niên trẻ Carlton đốt bó hương cầm theo, cắm xuống vị trí nơi máy bay rơi, và ngửa đầu lên trời cầu nguyện. “Tôi thấy rất lạ khi một người phương Tây lại rất thuần thục với nghi thức Á Đông hoàn toàn lạ lẫm đó như thể anh ta đã chuẩn bị cho việc này từ rất lâu.” – chị Phong Lan nhớ lại – “Cậu như đang thay mặt cha mình nguyện cầu cho vong hồn người bạn thân của ông, chuẩn úy Steven Larrabee, chết sau đúng 10 tháng đặt chân đến Việt Nam.”

Ngồi xuống mỏm đá ngay cạnh đó, Carlton cẩn trọng lôi cuốn sổ đỏ – cuốn nhật ký chiến trường của người cha – mang theo người ra. Trong cuốn sách có ghi lại những bài thơ, những ghi chép của ông sau khi chiến tranh đã kết thúc. Người thanh niên đọc lại những dòng nhật ký, những tâm sự của Lance Cross mà chuẩn úy Larabee có lẽ chưa bao giờ được bạn mình đọc cho ở đây.

“Dân làm rẫy lúc đó xúm lại gần. Họ ngạc nhiên khi thấy một người nước ngoài xuất hiện ở vùng núi K’rao. Lạ hơn khi thấy anh chàng này vừa khóc, vừa tự đọc cuốn sổ nhỏ ngay giữa trưa nắng gay gắt. Tôi thấy nhiều người đã rơi nước mắt khi nghe kể lại câu chuyện của Carlton. Một người còn nói “té ra chiến tranh là cả hai bên đều khổ.” – chị Phong Lan kể.

“Chiều đó, trên đường về thì Carlton đề nghị tôi đưa cậu vào nghĩa trang Hàm Tân.” Mưa, người vắng, khung cảnh cô quạnh giữa nghĩa trang lúc 6h chiều này, nhưng Carlton cứ đứng lặng nhìn những hàng bia mộ trong nghĩa trang vô danh tại đây. “Thấy mặt cậu ấy thảng thốt, lòng tôi se lại. Có lẽ chiến tranh đã cướp đi của cậu ấy nhiều thứ quá.”

Câu chuyện và bộ phim về chàng thanh niên Carlton của đạo diễn Phong Lan đã thật sự thu hút tôi. Cuối tháng 4, tôi cùng đạo diễn Phong Lan lên đường tới Mỹ để tìm hiểu kĩ hơn về câu chuyện buồn của chiến tranh này.

—–
Nữ tướng làm phim tài liệu

“Nhập
nghề” từ năm 1998, “nữ tướng” Lê Phong Lan là một tên tuổi lớn trong làng phim tài liệu VN. Bộ phim tài liệu “Phạm Xuân Ẩn – vị tướng tình báo tài ba” của chị được coi là công trình đồ sộ và tương đối đầy đủ về vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn sau suốt 7 năm trời dày công tìm hiểu. Bộ phim “người thanh niên đến từ nước Mỹ” của chị về Lee Carlton Walker được quay chỉ trong 2 ngày cũng đoạt được giải Vàng cho thể loại phim tài liệu tại liên hoan truyền hình toàn quốc hồi tháng Giêng năm 2008. Sau thành công của bộ phim, Carlton đã có nhã ý mời đạo diễn sang Mỹ để tiếp tục ghi hình về cha mình và các cựu binh Mỹ tại đây.

Hiện tại đạo diễn Phong Lan đang làm tiếp 2 dự án phim tài liệu lớn khác là “Con đường bí ẩn” và “Đi giữa kẻ thù” về các lưới tình báo trong chiến tranh của chúng ta. Các phim thành công khác của đạo diễn Phong Lan còn có “Mậu Thân – những câu chuyện đi vào lịch sử”, “Truyền thuyết bến đò tơ”, “người đi tìm dĩ vãng”,…

Written by tristhefall

May 11, 2008 at 10:43 am

Posted in Common

Tagged with